Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Kỹ năng nhận xét và giải thích biểu đồ môn Địa lý

25/02/2016 15:00

 » Cách sử dụng Atlat Địa lí hiệu quả
 » Phương pháp ôn thi môn Toán đạt hiệu quả cao
 » Cách lựa chọn biểu đồ trong bài thi môn Địa lý
Câu hỏi về biểu đồ thường chiếm 30% số điểm của cả bài thi. Ngoài việc lựa chọn và vẽ chính xác biểu đồ, thì làm tốt câu hỏi nhận xét và giải thích sẽ giúp các em đạt số điểm tuyệt đối hơn. Hôm nay HỌC247 sẽ giúp các em nâng cao kĩ năng nhận xét và giải thích trong bài tập biểu đồ.

Không nhận xét chung chung:

Dựa vào số liệu trong bảng thống kê và biểu đồ đã vẽ. Nhận xét phải có số liệu để dẫn chứng, không nhận xét chung chung. Giải thích các nguyên nhân, hiện tượng phải dựa trên nền tảng kiến thức đã học.

Không bỏ sót bất cứ dữ liệu nào trong đề:

Các dữ liệu đề cung cấp đều có chọn lọc và mang ý đồ riêng, tuy nhiên dù với mục đích nào thì những dữ liệu đó đều gắn liền với nội dung của bài học trong giáo trình. Không có một dữ liệu nào trong đề cung cấp dư thừa cả vì thế các em không được bỏ sót bất cứ dữ kiện nào. Phải bám sát các dữ liệu, đọc kỹ câu hỏi để nắm rõ yêu cầu và phạm vi cần nhận xét, phân tích. Ngoài ra, cần tìm ra mối liên hệ hay qui luật giữa các số liệu để phục vụ cho việc phân tích.

Phải linh hoạt quy đổi số liệu để dễ giải thích:

Trong đề thi nếu bảng số liệu cho trước là các số tuyệt đối thì nên tính toán ra một đại lượng tương đối. Khi bảng số liệu đã được khái quát hóa ở một mức độ nhất định, từ đó các em có thể dễ dàng nhận biết những sự thay đổi (tăng, giảm, đột biến,…) của chuỗi số liệu theo hàng dọc và hàng ngang.

Phân tích mối quan hệ giữa các số liệu:

Trước tiên khi đi vào phân tích mối quan hệ giữa các số liệu, các em nên phân tích các số liệu khái quát chung, sau đó mới phân tích đến các số liệu thành phần. Khi phân tích, các em nên tìm ra các quan hệ so sánh giữa các số liệu theo cơ cấu thành phần và chuỗi thời gian. Sau đó phân tích số liệu theo cột và theo hàng ngang. Phân tích các số liệu theo cột là để biết mối quan hệ giữa các ngành hay khu vực kinh tế nào đó. Phân tích các số liệu theo hàng ngang là để nhận biết sự thay đổi của một thành phần nào đó theo chuỗi thời gian.

Nếu các trường yêu cầu của đề bài là dựa vào bảng số liệu để phân tích hiện trạng của một ngành hay một vùng nào đó. Khi đó các em phải biết huy động cả các kiến thức đã học trong sách giáo khoa để làm sáng tỏ bảng số liệu, trả lời các câu hỏi như: do đâu mà có sự phát triển như vậy, điều này diễn ra chủ yếu ở đâu, hiện tượng này có nguyên nhân và hậu quả như thế nào…

Tóm lại, để có thể đạt điểm cao môn Địa lý, kỹ năng nhận xét biểu đồ là một yếu tố quan trọng giúp các em có một bài thi thành công. Tuy nhiên, mỗi loại đề bài và mỗi loại biểu đồ lại yêu cầu những phương pháp nhận xét khác nhau, và gây lúng túng cho không ít bạn trong khi làm bài thi. HỌC247 hy vọng với những kỹ năng trên đã thật sự giúp các em tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới!

BQT HỌC247