Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Cách lựa chọn biểu đồ trong bài thi môn Địa lý

07/03/2016 09:09

 » Bí quyết đạt điểm cao môn Văn
 » Để học thuộc và nhớ lâu các sự kiện lịch sử
 » Bí quyết trở nên giỏi Văn
 » Mẹo học môn Địa lý đạt điểm tuyệt đối
Trong đề thi môn Địa lý, phần thực hành vẽ biểu đồ, nhận xét, giải thích chiếm 3 điểm. Đây là số điểm không nhỏ, các em cần ôn tập tốt phần này để có thể đạt điểm cao. Bài viết sau đây HỌC247 sẽ hướng dẫn các em lựa chọn biểu đồ phù hợp, đúng với yêu cầu đề thi và những lưu ý khi vẽ biểu đồ này nhé!

1. Dạng biểu đồ tròn:

- Dấu hiệu nhận biết: là loại biểu đồ thể hiện quy mô, cơ cấu thành phần của một tổng thể đối tượng địa lí nhất định với từ 1 đến 3 năm, đơn vị thể hiện trên biểu đồ được tính bằng %.

- Những lưu ý khi vẽ:

+ Tính quy mô, bán kính và xử lí số liệu cơ cấu quy ra % rồi vẽ.

+ Nếu vẽ hai hoặc ba hình tròn, phải vẽ tâm của các đường tròn nằm trên một đường thẳng theo chiều ngang.

2. Dạng biểu đồ cột:

- Dấu hiệu nhận biết: biểu đồ thể hiện các giá trị nào đó với số liệu là các số tự nhiên qua nhiều năm.

 - Những lưu ý khi vẽ:

+ Dạng biểu đồ này rất đa dạng, có thể vẽ biểu đồ cột đơn, cột ghép, cột chồng tuỳ theo cấu trúc và mối quan hệ giữa các số liệu trong đề thi.

+ Đỉnh cột ghi các chỉ số tương ứng với chiều cao của các cột và chân cột ghi thời gian.

+ Cột đầu tiên nên vẽ cách trục tung một khoảng cách nhất định để đảm bảo tính trực quan cao của biểu đồ. Nếu vẽ các đại lượng khác nhau thì phải có chú giải phân biệt các đại lượng đó.

3. Dạng biểu đồ đồ thị (đường):

- Dấu hiệu nhận biết: là loại biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng các ngành, các lĩnh vực qua nhiều năm.

- Những lưu ý khi vẽ:

+ Biểu đồ được vẽ trên một hệ tọa độ. Trục tung thể hiện giá trị của đại hoặc tốc độ tăng trưởng và trục hoành là năm.

+ Xử lí số liệu ra % bằng cách đặt năm đầu tiên bằng 100%, sau đó lần lượt lấy các số liệu của các năm sau chia cho năm đầu tiên × 100 và vẽ biểu đồ đường theo các số liệu đã xử lí.

4. Dạng biểu đồ kết hợp:

- Dấu hiệu nhận biết: thường sử dụng khi vẽ hai hoặc ba đại lượng địa lí nhằm thể hiện tính trực quan.

- Những lưu ý khi vẽ:

+ Khi kết hợp biểu đồ cột và biểu đồ đường, phải dựng hệ trục tọa độ có hai trục tung với hai đơn vị khác nhau. Vẽ lần lượt theo từng đại lượng. Ngoài ra, nếu kết hợp giữa biểu đồ cột và tròn không thì cần phải dựng hệ tọa độ.

+ Chú giải phải thể hiện rõ các đối tượng địa lí đã thể hiện trên biểu đồ.

- Các dạng biểu đồ kết hợp:

+ Biểu đồ kết hợp giữa cột và đường.

+ Biểu đồ kết hợp giữa biểu đồ tròn và cột.

5. Dạng biểu đồ miền:

- Dấu hiệu nhận biết: biểu đồ miền thực chất là biểu đồ cột chồng khi chiều rộng của biểu đồ được thu nhỏ thành một đường thẳng đứng. Biểu đồ này thể hiện sự thay đổi cơ cấu (chuyển dịch cơ cấu…) của một ngành sản xuất.

- Những lưu ý khi vẽ:

+ Xử lí số liệu quy ra % sau đó vẽ biểu đồ miền.

+ Khung biểu đồ vẽ theo giá trị tương đối thường là một hình chữ nhật. Trong đó được chia làm các miền khác nhau, chồng lên nhau. Mỗi miền thể hiện một đối tượng địa lí cụ thể. Chiều cao của hình chữ nhật thể hiện đơn vị của biểu đồ, chiều rộng của biểu đồ thường thể hiện thời gian.

Khi vẽ biểu đồ các em cần đảm bảo 3 yếu tố: đúng, đủ và đẹp. Ngoài ra, để không lúng túng khi thi, các em cần luyện tập kỹ năng nhận biết, vẽ và nhận xét biểu đồ thường xuyên. Không có gì là quá muộn, các em cần chuẩn bị tốt để giữ thế chủ động khi thi các em nhé!

Chúc các em thành công!

BQT HỌC247