Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Để làm tốt bài văn NLXH về hiện tượng đời sống

07/10/2016 13:45

 » Chức năng của 11 dấu câu trong tiếng Việt
 » Kĩ năng viết đoạn văn trong đề đọc hiểu môn Văn
 » Để ghi nhớ môn Sử dễ dàng hơn
Đề tài trong đề văn nghị luận xã hội thường gần gũi với đời sống và sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh, trong đó có đề tài nghị luận về hiện tượng đời sống, xã hội là đề tài thường cho ra nhất. Đây một phần rất được mọi người quan tâm không chỉ riêng thầy cô hay các bạn học sinh. Chính vì thế đề thi rất đa dạng, thực tế và kích thích khả năng phân tích của các bạn. Vậy làm sao để viết tốt một bài văn NLXH về một hiện tượng đời sống? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!

1.Thế nào là một hiện tượng đời sống ?

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…). Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.

– Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể có ý nghĩa tích cực cũng có thể là tiêu cực, có hiện tượng vừa tích cực vừa tiêu cực… Do vậy, cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề để gia giảm liều lượng cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực.

2. Cấu trúc viết bài

* Phần mở bài: Cần giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận.

* Thân bài gồm:

– Luận điểm 1: giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài.

– Luận điểm 2: nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống; thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề. Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.

–  Luận điểm 3: lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người.

– Luận điểm 4, đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống (từ nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).

* Kết bài: Cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận, bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.

Trên đây là một vài gợi ý đầy đủ về cấu trúc một bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống. Hi vọng rằng, nó sẽ giúp ích các bạn rất nhiều trong việc giải quyết dạng đề này.

Mod Văn (sưu tầm)