Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Kĩ năng viết đoạn văn trong đề đọc hiểu môn Văn

24/09/2016 20:46

 » Nhà thơ Thanh Thảo nói về bài thơ: “Đàn ghi-ta của Lorca”
 » “Công thức hoàn hảo” cho bài văn nghị luận xã hội
Đề đọc hiểu thường có một câu hỏi yêu cầu học sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ, nêu cảm nhận của bản thân về vấn đề liên quan đến văn bản được trích dẫn. Hầu hết học sinh đều rất quen với câu hỏi viết đoạn văn này. Tuy nhiên các bạn thừơng viết lung tung, không đúng yêu cầu của đề, lại còn viết không đúng số câu quy định, nên phần lớn, các bạn không bao giờ đạt điểm tối đa phần này. Bài viết này sẽ giúp các bạn cải thiện kĩ năng viết đoạn văn cho phần đọc hiểu của đề thi văn

1. Nắm vững yêu cầu của đề

Phải nắm rõ đề bài yêu cầu viết về cái gì? (nội dung của đoạn văn), viết trong bao nhiêu dòng? (dung lượng), sau đó tiến hành tìm ý cho đoạn văn.  Tức là chúng ta xác định sẽ viết những gì? Tuỳ thuộc yêu cầu của đề, các em có thể ghi ra giấy nháp những ý chính của đoạn văn. Việc tìm ý cho đoạn văn sẽ  giúp học sinh hình dung được những ý chính cần viết, tránh tình trạng viết lan man dài dòng, không trọng tâm.

Ví dụ:

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?  ( Trích Vợ nhặt-Kim Lân)

Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình mẫu tử.

Hướng dẫn:  Đoạn văn cần đảm bảo các ý:

– Dẫn ý bằng chính dòng độc thoại nội tâm xúc động của bà cụ Tứ.

– Tình mẫu tử gì? Biểu hiện của tình mẫu tử?

– Ý nghĩa của tình mẫu tử?

– Phê phán những đứa con bất hiếu với mẹ và nêu hậu quả.

– Bài học nhận thức và hành động?

2. Viết đoạn văn theo yêu cầu của đề

+  Sau khi tìm được những ý chính cho đoạn văn, chúng ta tiến hành viết câu mở đầu. Câu mở đầu có nhiệm vụ dẫn dắt vấn đề. Đối với đoạn văn trong đề đọc hiểu, các em nên dẫn dắt từ nội dung của văn bản được trích dẫn. Đoạn văn có thể trình bày theo nhiều cách  khác nhau, nhưng cách đơn giản nhất là trình bày theo kiểu diễn dịch, tức là câu chủ đề nằm ở đầu đoạn. Các câu sau triển khai ý  cho câu mở đầu.

+ Viết các câu nối tiếp câu mở đầu : Dựa vào các ý chính vừa ghi trên giấy nháp, chúng ta tiến hành viết đoạn văn. Lưu ý cách diễn đạt và lỗi chính tả.

+ Viết câu kết của đoạn văn: Câu kết của đoạn có nhiệm vụ kết thúc vấn đề. Dù đoạn văn dài hay ngắn thì câu kết cũng giữ vai trò quan trọng, để lại ấn tượng cho người đọc. Câu kết có thể nêu cảm xúc cá nhân, mở rộng vấn đề, hoặc tóm lược vấn đề vừa trình bày.

+ Về dung lượng, đoạn văn cần đảm bảo yêu cầu của đề bài. Tất nhiên thầy cô giám khảo không ai ngồi đếm từng dòng,  bởi vậy chúng ta  được phép viết dài hơn hoặc ngắn hơn 1-2 dòng. Các em đừng quá lo lắng về dung lượng. Đoạn văn viết đủ ý, sâu sắc thì dù có vượt ngưỡng một vài dòng cũng vẫn được điểm cao.

 

Lưu ý: Nêu bài viết yêu cầu nêu quan điểm, cảm nhận của cá nhân. Các em có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng phải thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…)

Trên đây là một số bí quyết giúp các bạn viết tốt đoạn văn trong phần đọc hiểu của đề thi môn Văn. Mong rằng, nó sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trong việc rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn. Chúc các bạn ôn tập và thi tốt!

Mod Văn