Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Bí quyết giúp vượt qua kỳ thi môn địa lý

23/02/2016 09:42

 » Kinh nghiệm ôn thi môn địa lý
 » Bí quyết đạt điểm cao môn Văn
 » Kỹ năng nhận xét và giải thích biểu đồ môn Địa lý
Trong các môn thi khối C, Địa được xem là môn dễ dàng “kiếm” điểm hơn Sử và Văn. Tuy nhiên để làm được một bài thi Địa hoàn chỉnh và đạt điểm cao thì không phải bạn nào cũng biết. Những gợi mở dưới đây sẽ giúp các bạn tự tin hơn và có thêm kỹ năng đạt được điểm cao trong môn này.

Ôn câu hỏi lý thuyết: tập trung ôn các dạng chính đó là dạng giải thích, dạng so sánh, dạng chứng mình và dạng trình bày.

- Dạng giải thích: các dạng câu hỏi giải thích yêu cầu thí sinh phải trả lời câu hỏi “tại sao?”. Đây là dạng câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản mà còn phải biết vận dụng chúng để giải thích các hiện tượng địa lý.

- Dạng so sánh: dạng câu hỏi này các em không nên trả lời theo kiểu trình bày lại kiến thức mà các em phải tổng hợp lại những kiến thức đã học, sau đó tìm cách phân biệt được sự giống và khác nhau giữa các hiện tượng địa lý.

- Dạng chứng minh: tuy không thật khó như hai dạng trên nhưng các em phải nắm chắc kiến thức và cả những số liệu thống kê tiêu biểu để chứng minh theo yêu cầu đề bài.

- Dạng trình bày: đây là dạng dễ nhất, các em chỉ cần tái hiện kiến thức trong SGK cho thật chuẩn, sắp xếp các ý cho tốt rồi viết vào bài thi là được. Tuy cùng một nội dung nhưng có thể có nhiều cách hỏi khác nhau, các em cần bám sát câu hỏi và trả lời theo chủ ý của đề thì mới được điểm tuyệt đối.

Ôn câu hỏi thực hành: câu hỏi trong phần này chủ yếu là vẽ biểu đồ, nêu nhận xét và giải thích. Nếu đề bài chưa chỉ ra dạng biểu đồ mà yêu cầu thí sinh phải chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất thì các bạn nên dựa vào hai yếu tố: yêu cầu của đề và số liệu đã cho để chọn dạng biểu đồ phù hợp.

Khi vẽ biểu đồ cần chú ý ba bước: chọn dạng biểu đồ, xử lý số liệu và vẽ biểu đồ. Vẽ biểu đồ yêu cầu phải chính xác, rõ ràng và đẹp. Nhất thiết phải có bảng số liệu đã xử lý nếu đề cho số liệu thô, nếu không các em sẽ bị mất điểm. Sau khi vẽ xong đừng quên chú giải vào trong biểu đồ hoặc tốt nhất là chú thích ra ngoài sẽ đỡ rối mắt và sạch đẹp hơn.

Nếu câu hỏi yêu cầu nhận xét thì các em nên dựa vào biểu đồ đã vẽ hoặc bảng số liệu để đưa ra những nhận xét cụ thể. Phần này không khó để có thể lấy một điểm. Nếu đề bài yêu cầu giải thích thì phải chú ý đến những yếu tố tác động trực tiếp, gián tiếp vào đối tượng, các mốc thời gian để có phương án trả lời hợp lý.

Thực hiện đúng hai bí quyết trên, kết hợp thêm những lưu ý như: nhận dạng câu hỏi, phân bố thời gian và phác thảo đề cương sẽ giúp các em tránh bị lạc đề, tiết kiệm được thời gian và làm bài hiệu quả.

BQT HỌC247