Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Bí quyết để nhớ bài môn Địa lý

05/03/2016 19:00

 » Để đạt điểm cao trong bài thi đại học môn văn?
 » Phương pháp học môn Lịch Sử hiệu quả
 » Cách làm bài Địa lí đạt điểm cao
 » Cách lựa chọn biểu đồ trong bài thi môn Địa lý
Kỳ thi THPT càng đến gần, làm sao các bạn có một trí nhớ để nhớ hết các phần lý thuyết và thực hành của các môn nói chung và môn Địa lý nói riêng. Thêm vào đó, Địa lại là môn có nhiều bản đồ, nhiều địa hình, vị trí cần phải nhớ. Dưới đây, HỌC247 muốn đưa đến các bạn bí quyết nhớ bài môn Địa lý để áp dụng cho kỳ thi THPT sắp tới.

Về phần lý thuyết:

Nhìn tổng thể SGK Địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý kinh tế và Địa lý vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trước tiên, các em cần nắm vững kiến thức nền trong phần địa lý tự nhiên, dân cư, kinh tế và sau đó tổng hợp lại trong địa lý vùng kinh tế. Có nhiều cách để hệ thống lại bài như: qua sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây hay bảng hệ thống… Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống lại bài học.

Mỗi bài các em hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... rồi dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Sau khi đã hệ thống lại các bài, các em nên đi vào chi tiết từng bài. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại, cũng là một cách nhớ hiệu quả, không nhất thiết phải ôm cả cuốn SGK để học, vừa gây cảm giác nặng nề mà còn mất thời gian và không giúp các em hệ thống được bài học.

Đối với môn Địa lý, thường các em sợ nhất chính là số liệu. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhớ hết số liệu, mỗi ý chúng ta chỉ cần một dẫn chứng và nên chọn một trong hai số liệu phần trăm hoặc số liệu thực tế. Nếu không thể nhớ chính xác các số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo kiểu khoảng, gần bằng hoặc lớn hơn...

Đối với phần thực hành vẽ biểu đồ: phần này thường chiếm 3 điểm trong bài thi. Có thể gom phần biểu đồ thành 6 dạng tiêu biểu sau:

- Biểu đồ tròn: áp dụng khi đề bài yêu cầu thể hiện cơ cấu, tỉ lệ, tỉ trọng (%) của đối tượng. Ví dụ thể hiện cơ cấu của ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam năm 2012...

- Biểu đồ cột (đơn, đôi...): sử dụng khi đề bài yêu cầu thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị trong một năm. Ví dụ thể hiện sự biến động dân số, diện tích đất đai...

- Biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị): sử dụng khi đề bài yêu cầu thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm. Ví dụ thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số…

- Biểu đồ kết hợp giữa đường và cột: dùng khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ. Ví dụ thể hiện sản lượng khai thác, nuôi trồng và giá trị sản xuất của Việt Nam thì vẽ cột thể hiện sản lượng khai thác và nuôi trồng, đường thể hiện giá trị sản xuất...

- Biểu đồ miền: sử dụng khi đề bài yêu cầu thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên. Ví dụ thể hiện cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam hoặc cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ từ năm 1990 - 2005.

- Biểu đồ cột chồng: khi đề bài yêu cầu thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối).

- Ngoài ra có dạng biểu đồ miền kết hợp với đường: thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử, tỉ lệ gia tăng tự nhiên…

Phần nhận xét biểu đồ: lần lượt theo từng phần là nhận xét chung, nhận xét từng phần rồi tổng kết lại. Câu nhận xét chung thường là: nhìn chung, tổng quan thì giá trị tăng hay giảm. Tùy theo số liệu có thể nhận xét tăng (giảm) liên tục hoặc không đều... Sau đó đi vào nhận xét từng phần, chú ý đến các giai đoạn có sự tăng giảm đột biến để nhận xét kỹ hơn (nhớ kèm theo số liệu). Cuối cùng, có thể tổng kết lại bằng cách nhận định xu hướng phát triển hoặc giải thích dựa theo đề bài yêu cầu.

Với bí quyết HỌC247 nêu trên dành cho môn Địa lý. Cho dù phần lý thuyết và các dạng biểu đồ trong đề thi có khó khăn như thế nào đi chăng nữa, chỉ cần các em áp dụng và nắm bắt tốt phương pháp học này thì các em sẽ vượt qua được kỳ thi mà không bị áp lực.

Chúc các em thành công!

BQT HỌC247