Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

TP HCM thi tốt nghiệp riêng: Nhiều băn khoăn

23/09/2016 08:12
Trước đề án thi và xét tốt nghiệp riêng của TP HCM, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ gây rối rắm, khó khăn cho học sinh cũng như việc xét tuyển của các trường ĐH.

UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xin thẩm định “Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP từ năm 2017”. Theo đề án, năm 2017, thí sinh tại TP HCM chỉ phải thi 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ. Việc xét tốt nghiệp THPT được thực hiện theo công thức: {(Tổng điểm 3 bài thi + tổng điểm khuyến khích - nếu có)/3 + điểm trung bình cả năm lớp 12}/2 + điểm ưu tiên (nếu có).

Vênh với phương án của bộ

Đề thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM do Sở GD-ĐT TP chịu trách nhiệm tổ chức ra đề; nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12, nêu rõ điểm của câu hỏi. Trong kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu và nội dung. Mỗi đề thi có hướng dẫn chấm và đáp án kèm theo.


Học sinh TP HCM thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh TP HCM thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng theo đề án này, từ năm 2018, điểm xét tốt nghiệp THPT không sử dụng kết quả điểm học bạ lớp 12 nữa mà điểm xét tuyển sẽ bằng tổng điểm trung bình các bài thi cùng điểm khuyến khích (nếu có) + điểm ưu tiên (nếu có). Ở giai đoạn này, ngoài 3 môn như giai đoạn 1, thí sinh sẽ thi thêm môn tích hợp. Môn thi tích hợp bao gồm các môn: lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân. Hướng ra đề thi môn tích hợp sẽ nhằm kiểm tra năng lực của thí sinh hơn là kiến thức.

Theo hiệu trưởng một trường phổ thông, đề án của TP có độ vênh với dự thảo mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra về số bài thi, đề thi và mục đích thi. Dự thảo của bộ là thi tối thiểu từ 4-5 môn theo hướng trắc nghiệm, đề thi phải bảo đảm 2 yêu cầu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong khi của TP chỉ thi 3 bài là toán, văn, ngoại ngữ. “Điều băn khoăn nhất lúc này là các trường đang tổ chức dạy và học theo phương án thi của bộ. Vậy thì phải làm sao?” - vị này đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM (phụ trách khảo thí), cho rằng việc TP trình đề án thi riêng tốt nghiệp THPT trong năm 2017 là hơi vội vàng bởi tới đây sẽ thực hiện 1 chương trình nhiều bộ sách thì TP trình phương án thi tốt nghiệp cũng không muộn. Hơn nữa, đề án thi và xét tốt nghiệp của TP, học sinh chỉ phải thi 3 môn cùng với kết quả lớp 12 rõ ràng nhẹ hơn so với phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ông Ngai cho rằng trước mắt, TP nên theo kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức bởi đây là kỳ thi đánh giá chuẩn chung của cả nước.

Tăng áp lực, học lệch?

Một chuyên gia giáo dục cho rằng dù thi theo phương án nào thì mục đích cuối cùng cũng phải vì học sinh, giảm áp lực, tốn kém cho học sinh, phụ huynh. Nếu thi theo phương án của TP thì liệu các trường ĐH có công nhận kết quả này làm căn cứ để xét tuyển? Hay học sinh lại phải thi thêm một số bài khác? Dù tin tưởng vào chất lượng học sinh của TP nhưng phương án thi mà TP vừa đưa ra sẽ gây khó khăn cho các trường khi xét tuyển. Từ việc thi 3 môn sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, học chỉ để thi của học sinh.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - cho rằng ngay cả khi bộ đưa ra dự thảo phương án thi và xét tốt nghiệp 2017 cũng đã gặp những phản ứng về sự cập rập, nay TP lại trình phương án thi riêng thì sẽ rối bời, không biết học sinh lớp 12 ôn tập ra sao, theo bộ hay theo sở.

Theo ông Sơn, trong trường hợp các trường ĐH hoặc nhóm các trường có kỳ thi tuyển sinh riêng thì việc thi tốt nghiệp của TP không vấn đề gì nhưng với tình hình hiện nay, khi các trường ĐH, CĐ còn dựa vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì nếu đề án thi tốt nghiệp THPT của TP được Bộ GD-ĐT phê duyệt với việc thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, học sinh muốn xét tuyển ĐH ở những tổ hợp môn thi khác phải tham gia kỳ thi khác có thể do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc trường ĐH tổ chức.

TS Lê Chí Thông - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP HCM - cho rằng Bộ GD-ĐT cần quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT của TP HCM với phương án thi quốc gia. Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia cho mục đích xét tốt nghiệp và xét ĐH thì phương án TP HCM tổ chức thi tốt nghiệp riêng là không ổn vì thí sinh sẽ phải thi thêm kỳ thi khác.

 

Sẽ xem xét điều kiện đặc thù

Liên quan đến đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP HCM, tối 22-9, Bộ GD-ĐT cho biết chưa nhận được văn bản chính thức. Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ GD-ĐT đã biết việc này. Theo Bộ GD-ĐT, ngày 7-6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với lãnh đạo TP HCM về phát triển giáo dục và đào tạo TP. Kết luận buổi làm việc, hai bên thống nhất Thành ủy TP HCM sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển GD-ĐT TP, đồng thời chỉ đạo UBND TP xây dựng Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đề án này, TP HCM sẽ thí điểm thực hiện một số mô hình giáo dục và cơ chế phù hợp với đặc thù của TP, trong đó có nội dung “Tăng cường phân cấp cho TP thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của bộ, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”.

Theo dự thảo phương án thi THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT thống nhất trong cả nước nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH-CĐ. Bộ sẽ tăng cường phân cấp cho các địa phương thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT năm 2017 dưới sự giám sát, hỗ trợ của bộ; bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Trên tinh thần này, Bộ GD-ĐT cho hay khi nhận được Đề án chính thức của TP HCM, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét trên nguyên tắc phù hợp với các quy định chung và các điều kiện đặc thù của TP. Y.Anh

(Theo nld.com.vn)