Thi THPT Quốc gia 2017: Học sinh Hà Nội chọn thi môn Lịch sử cao hơn
03/03/2017 07:29» Hà Nội: Tập dượt thi THPT Quốc gia 2017
» Lịch trình thi THPT Quốc gia thí sinh cần nhớ
» Bỏ khối C ngành công an là xu hướng tất yếu?
Tại Hà Nội, đến thời điểm này, nhiều trường THPT đã cho học sinh đăng ký môn thi để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào ngày 22/6 tới. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh vật) vẫn cao. Tuy nhiên, khác với các năm trước, đáng mừng là năm nay số học sinh chọn bài thi môn Lịch sử và Địa lý đã cao hơn, không có trường nào “trắng” thí sinh đăng ký các môn này.
Khảo sát sơ bộ nhiều trường THPT tại Hà Nội như: Trường THPT Đống Đa, THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), THPT Yên Hòa (Cầu Giấy)... thời điểm này, số học sinh chọn bài thi theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) để dự thi kỳ thi THPT quốc gia vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn bài thi tổ hợp môn xã hội (Địa lý, Giáo dục công dân, Lịch sử).
Cụ thể, tại trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa), học sinh khối 12 có 381 em, trong đó có 104 học sinh đăng ký làm bài thi khoa học xã hội, còn lại là chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa Cầu Giấy cho biết, năm nay, trường có 456 học sinh tham dự trong đó có tới gần 67% đăng ký dự thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên.
“Trường Yên Hòa đã tổ chức cho học sinh khảo sát về nguyện vọng cho các em thi là tổ hợp khoa học tự nhiên hay là khoa học xã hội. Tỷ lệ khoa học tự nhiên là 303 học sinh, và khoa học xã hội là 153. Từ Ban giám hiệu đến các bộ môn cũng đều thấy rằng dù là trắc nghiệm hay tự luận thì vẫn phải chắc cơ bản. Khi đã chắc kiến thức cơ bản rồi thì xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm đảm bảo ma trận đề. Điều mà các bộ môn cần quan tâm”- bà Nhiếp nói.
Theo phản ánh của lãnh đạo các trường, đây mới chỉ là khảo sát ban đầu, tỷ lệ thí sinh đăng ký các tổ hợp môn còn thay đổi. Hiện, thống kê sơ bộ cho thấy, đa số học sinh đều chọn một trong hai tổ hợp môn để đăng ký dự thi chưa thấy học sinh nào đăng ký cả hai tổ hợp môn.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Đấy là khảo sát ban đầu. Tất nhiên là từ giờ cho đến lúc đăng ký chính thức thì có thể có những học sinh đăng ký hai bài. Điều này phải đợi các con đăng ký lại một lần nữa. Cho đến bây giờ chưa thấy học sinh nào đăng ký hai bài, nhưng về quyền của thí sinh thì trường vẫn phổ biến. Việc chọn bài thi liên quan đến việc phân bổ các lớp học. Trường đã phân thành hai ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cho nên 100% học sinh học ban khoa học xã hội thì đăng ký bài thi của khoa học xã hội, tương tự cũng vậy đối với bài khoa học tự nhiên”.
Điểm mới của năm nay là khi thí sinh chọn tổ hợp môn thi khoa học xã hội để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học sẽ phải thi ba môn gồm Địa lý, Giáo dục công dân, Lịch sử. Do vậy, so với mọi năm, số lượng học sinh chọn bài thi liên quan tới môn Lịch sử, Địa lý ở các trường cũng tăng hơn. Không còn tình trạng trường không có thí sinh đăng ký môn Lịch sử như những năm trước đây.
Cô Tống Thị Thoa, giáo viên dạy môn Địa lý, Trường THPT Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Với môn Địa lý hiện đã là một trong những môn thi bắt buộc tổ hợp xã hội không chỉ bản thân tôi mà trong tổ nhóm liên tục họp, tìm kiếm tài liệu và tổ chức phương pháp để đưa ra các tình huống thích nghi với đề thi. Năm nay, trường tôi các em chọn thi tỷ lệ thi tổ hợp xã hội là tương đương với tổ hợp tự nhiên mà trước đây là chưa hề có. Trước đây, các môn xã hội thường được các em coi là môn phụ và học không tập trung. Bây giờ chúng tôi thấy các em đã hào hứng. Thống kê số liệu thì tỷ lệ thi tự chọn xã hội và tự nhiên gần như tương đương nhau. Đấy là một niềm vui”.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường THPT sử dụng kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ hai của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi mới như kỳ thi THPT quốc gia ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi.... đồng thời phổ biến quy chế thi cho học sinh nắm rõ lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực học.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Các trường tổ chức ôn tập cho học sinh căn cứ vào môn thi và tổ hợp môn thi cho học sinh để có thể đạt điểm cao nhất. Giữa kỳ hai và thi học kỳ hai, tất cả các trường tập huấn kiểm tra thi thử cho đúng bài bản. Các trường làm đề tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các môn tự luận, trắc nghiệm môn thi riêng Toán, Ngoại ngữ soạn y như kiểu thi tốt nghiệp để cho các em làm quen; đồng thời để cho các thầy cô giáo biết cách trông thi theo hình thức mới, đảm bảo đúng quy chế không tốn nhiều thời giờ, không tốn kinh phí”.
Dự kiến, thời gian thi khảo sát là 2,5 ngày, từ ngày 20/3 đến hết sáng 22/3. Chậm nhất ngày 31/3/2017, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố thi thử như kỳ thi THPT quốc gia nhưng không lấy kết quả làm điểm kiểm tra học kỳ 2.
(Theo dantri.com.vn)
TIN LIÊN QUAN
- Tuyển sinh ĐH 2018 không còn khối xét tuyển truyền thống? (31/08)
- Cơ sở ĐH Nội vụ Hà Nội tại TP HCM tuyển sinh đại học năm 2017 (30/08)
- ĐH KHTN TP.HCM tuyển sinh liên thông đại học ngành CNTT (24/08)
- Đề xuất tách thi đại học và thi tốt nghiệp THPT (22/08)
- Điểm chuẩn bổ sung ĐH Mở TP.HCM và Tôn Đức Thắng tăng (18/08)
- Năm 2018 sẽ có điểm sàn riêng với các trường sư phạm (17/08)
- ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển bổ sung 9 ngành (17/08)
- Nhiều đại học tuyển bổ sung chỉ tiêu (15/08)
TIN XEM NHIỀU
- Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM
- Danh sách các trường THPT Chuyên toàn quốc
- Phương pháp học để thi THPT Quốc gia 2017 hiệu quả nhất
- Chính thức công bố đề thi minh họa THPT Quốc gia 2017
- Thi THPT quốc gia 2017: Trừ Văn thi tự luận, còn lại trắc nghiệm
- Bộ GD&ĐT đề xuất thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục Quốc dân
- Sẽ có nhiều thay đổi xét tuyển đại học cao đẳng 2016
- Phương án tuyển sinh Đại học FPT năm 2016