Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Dự kiến phương án thi THPT quốc gia 2017: Còn rất nhiều băn khoăn

25/09/2016 13:57

 » Thí sinh cận thị không được xét tuyển vào Học viện Tòa án
 » Phó Hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu: “Nên mạnh dạn thi trắc nghiệm cả môn Ngữ Văn”
 » Hội Toán học Việt Nam chính thức đề nghị hoãn thi trắc nghiệm toán năm 2017
Khi sát nhập hai kỳ thi THPT và đại học vào làm một đã có không ít sự xáo trộn đối với học sinh và phụ huynh. Mới đây, Bộ GDĐT lại công bố phương án dự kiến của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 môn toán thi trắc nghiệm, nhiều học sinh, phụ huynh lại cảm thấy thêm lo lắng.

Nhiều học sinh lo lắng với dự kiến phương án thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT Quốc giá 2017 (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Học sinh ráo riết tìm tài liệu

Gần một tháng sau khi có dự thảo phương án thi THPT 2017, trong đó dự kiến môn toán được chọn hình thức thi trắc nghiệm đã khiến nhiều học sinh cảm thấy lo lắng, ráo riết tìm kiếm tài liệu, hay những bộ đề liên quan đến thi trắc nghiệm. Em Nguyễn Vân Anh (lớp 12 THPT Đông Du, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Sau khi nghe thầy cô phổ biến phương án thi dự kiến của năm nay, điểm đặc biệt là môn toán thi trắc nghiệm khiến chúng em rất bất ngờ. Hầu hết các bạn đều lao đến hiệu sách, lên mạng tìm hiểu các bộ đề liên quan đến trắc nghiệm. Nhưng chúng em không tìm được phương hướng, bởi từ trước tới nay hình thức thi trắc nghiệm chưa áp dụng vào môn toán, các tài liệu đều liên quan rất hiếm”.

Tài liệu tham khảo hình thức thi trắc nghiệm hạn chế, học sinh đang học theo hướng mò mẫm chính vì vậy hầu hết các bạn học sinh đều cảm thấy lo lắng và chịu áp lực lớn. Em Nguyễn Thị Xuân (trường THPT Đồng Lộc, Hà Tĩnh) lo lắng nói: “Môn toán là môn chủ chốt, chính vì vậy giờ phương pháp thi môn toán chưa ngã ngũ hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận khiến người học như bọn em rất hoang mang, mất phương hướng. Bởi tài liệu, hình thức học 12 năm nay đều theo phương pháp tự luận, tính tư duy sáng tạo đặt lên hàng đầu, hơn nữa hệ thống kiến thức toán khá rộng, nhiều phần khó đòi hỏi phải đầu tư thời gian nhiều để học và giải các dạng bài tập. Nhưng giờ ra trắc nghiệm với lượng kiến thức dàn trải như vậy sẽ là thách thức đối với chúng em”.

Cũng trong tâm trạng đó, Lê Hoài Thu, (học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội) bộc bạch: “Để chuẩn bị cho kỳ quan trọng cuộc đời mình, ngay khi bước vào lớp 11 em đã xác định rõ về khối thi, môn thi và dự định sẽ chọn trường nào. Em theo khối A, môn toán là chủ đạo nên 2 năm trước, em đã đầu tư rất nhiều thời gian cũng như sức lực vào môn học này, các thầy cô dạy cũng theo phương pháp thi tự luận. Tuy nhiên, thi trắc nghiệm thì buộc thầy cô phải dạy cách giải nhanh hơn cho kịp thời gian. Em rất lo không biết sẽ xoay sở thế nào?”.

Rất nhiều học sinh khi nhắc đến dự thảo phương án thi cảm thấy việc học sẽ ít nhiều bị đảo lộn, nhiều em còn cảm thấy sốc. Có em còn không ngần ngại lên tiếng đối chất: “Sao không ổn định mà năm nào cũng thay đổi vậy? Bộ GDĐT cần đặt mình vào vị trí của học sinh, nếu cứ thay đổi liên tục các phương thức tuyển sinh như thế, Bộ có thấy hoang mang và lo lắng hay không? Chất lượng kỳ thi sẽ ra sao?".

Cái khó trong đề thi toán trắc nghiệm

Theo trao đổi của nhiều học sinh, cái khó hiện nay chưa có bộ đề hướng dẫn, thông tin xoay quanh phần thi trắc nghiệm hạn chế. Mặt khác hình thức học bấy lâu này là tự luận, chính vì vậy, khi đưa ra thi trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải tính toán nhanh, không được sai bước nào. Một bước sai xem như là sai tất cả. Bạn Nguyễn Đức Luận (trường THPT Đông Du, Bắc Ninh) chia sẻ: “Thi tự luận nếu làm sai kết quả, nhưng các bước tính toán đúng cũng được tính điểm. Còn trắc nghiệm sai một bước là sai tất cả. Đồng thời nhiều bạn “ăn may”, có thể khoanh đúng đáp án thì không công bằng với các bạn học giỏi toán, có cách tư duy tốt về toán thực sự”.

Cái khó nữa là phương án dự kiến được áp dụng quá sớm, chưa tìm hiểu cũng như đặt vào chính hoàn cảnh của học sinh lớp 12 hiện nay. Nguyễn Huyền My (trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Thực sự Bộ GDĐT đã quá vội vàng khi áp dụng phương pháp thi này ngay. Nếu thi trắc nghiệm, chúng em sẽ chỉ quan tâm đến đáp án đúng hay sai, không quan tâm đến cách giải đó có hay không, có sáng tạo không? Chính vì vậy khả năng sáng tạo cũng như tìm tòi cách giải mới trong môn toán cũng bị hạn chế. Nếu phương án dự thảo này Bộ áp dụng bắt đầu từ lớp 10 em tin tính khả thi, hiệu quả sẽ cao hơn là áp dụng vào thời điểm chúng em hiện nay”.

Huyền My nói thêm, “Đối với những người theo khối A, môn toán rất quan trọng, những môn khác có thể làm tốt nhưng nếu môn toán điểm thấp cũng sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, vì không biết phải chọn trường như thế nào? Liệu điểm của mình có đủ để vào được trường như nguyện vọng của mình đặt ra không…”.

Là người gắn bó với môn toán gần 40 năm, trải qua nhiều kỳ thi lớn nhỏ, nhưng trước một bước thay đổi hình thức thi, thầy Nguyễn Lưu - Tổ trưởng tổ toán, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - không khỏi lo lắng. Thầy Lưu cho rằng: “Nếu áp dụng phương án dự kiến này vào ngay cho học sinh lớp 12 là rất cập rập. Theo tôi, nên có một quy trình về sách giáo khoa, giảng dạy… Quan trọng nhất vẫn là khâu ra đề thi. Nếu áp dụng phương án dự kiến của năm nay cho khối 10 thì sẽ hay hơn. Bởi các em đã có một thời gian khá dài để chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kỹ năng làm bài tập và làm quen với các dạng câu hỏi trắc nghiệp cần tư duy nhanh và đúng chính xác từng chi tiết”.

Thầy Lưu nói thêm, sách giáo khoa trước đây cũng đã có chuẩn bị những câu hỏi có trắc nghiệm và tự luận, nhưng từ trước tới nay vẫn là thi tự luận nên phần trắc nghiệm các thầy cô, học sinh gần như bỏ qua. Do vậy, nếu Bộ áp dụng ngay thì không những học sinh mà chính người dạy phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng. Khó khăn rõ nhất là các thầy cô dạy môn toán trong thời gian ngắn phải giúp học sinh tiếp cận được kiến thức, kỹ năng và cách giải các bài trắc nghiệm nhanh gọn, chính xác. Phải thay đổi phương pháp dạy, đặc biệt hệ thống bài tập, bài giảng chuẩn bị cho học sinh, đề thi, bài kiểm tra cũng gần như là thay đổi hoàn toàn.

Thầy cũng nhấn mạnh, để làm một cái đề trắc nghiệm hoàn chỉnh khá khó khăn. Đặc biệt là đối với đội ngũ giáo viên trẻ, mới vào nghề, kinh nghiệm giảng dạy cũng như ra đề còn ít nên không tránh khỏi khó khăn, cập rập.

Phụ huynh mất ăn, mất ngủ

Thấy con lo lắng về dự thảo phương án thi THPT 2017 nhiều phụ huynh đã tìm đến những trung tâm hoặc thầy cô có tiếng để xin cho con đi học thêm. Chị Nguyễn Thị Thanh (40 tuổi, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: “Mấy ngày qua thấy con gái lo lắng, lúc nào cũng thở dài, trò chuyện với con mới biết cháu đang lo lắng về kỳ thi sắp tới. Mới đầu năm học nhưng năm học cuối sẽ trôi qua rất nhanh. Cứ trong tình trạng chưa ngã ngũ phương án thi thì các cháu học sẽ không hiệu quả”.

Để giúp con, theo lời giới thiệu của những phụ huynh có con học lớp trước, chị tìm các thầy, cô dạy toán có tiếng trong vùng nhờ dạy thêm, đồng thời kêu gọi một số phụ huynh trong lớp của con đứng ra mở lớp mời thầy về dạy. Chị Thanh nói: “Nếu thầy đồng ý về nhà dạy thì các con không phải đi xa, phụ huynh cũng đỡ lo lắng hơn. Chứ học chính rồi về lại đi học thêm sợ các con không đủ sức”.

Không có điều kiện để cho con theo học thầy riêng, chị Hạnh (42 tuổi, ở Bắc Ninh) chọn giải pháp cho con đến các trung tâm luyện thi. Chị Hạnh cho rằng: “Các trung tâm lớn sẽ sớm cập nhật các bộ đề, giúp cho con giảm bớt thời gian tìm tài liệu, yên tâm để học hơn”.

Nhiều phụ huynh cũng mong Bộ GDĐT sớm quyết định phương án chính thức để học sinh có thể chuyên tâm vào học tập. Hầu hết các phụ huynh có suy nghĩ, nếu phương pháp thi trắc nghiệm toán được đưa ra ngày từ khi học sinh bước vào lớp 10, 11 thì giờ áp dụng học sinh và thầy cô giáo cũng đỡ bỡ ngỡ vì đã có thời gian làm quen, ngân hàng đề thi cũng không quá thiếu như giờ. Mặt khác những bộ đề hướng dẫn được đưa ra sớm thì học sinh và phụ huynh không rơi vào cảnh bị động, chạy đua với thời gian như thế này. Anh Ngô Đức Thắng (50 tuổi, Hà Tĩnh) bức xúc: “Nhìn con chạy hết buổi học này đến buổi học khác, mặt mũi bơ phờ mà xót xa. Mong Bộ GDĐT sớm có quyết định chính thức để con tôi đỡ khổ”.

 

(Theo Laodong.com.vn)