Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Đọc hiểu kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

02/11/2016 12:35

 » Dạng đề so sánh 2 tác phẩm văn xuôi (Đề 1)
 » Dạng đề so sánh 2 tác phẩm văn xuôi (Đề 2)
 » Đọc hiểu “Người lái đò sông Đà”
Phần đọc hiểu là phần không thể thiếu trong đề thi Ngữ Văn. Tuy nó là phần dễ trả lời nhất, dễ lấy điểm nhất nhưng phần lớn các bạn đều không lấy trọn vẹn điểm số ở phần này.

Nhằm giúp các bạn rèn luyện được kĩ năng trả lời phần đọc hiểu. Hoc247.vn sẽ sưu tầm và đưa ra một số đề đọc hiểu để các bạn tham khảo và rèn luyện kĩ năng làm bài.

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi :

«… HỒN TRƯƠNG BA : (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được !

ĐẾ THÍCH : Sao thế ? Có gì không ổn đâu !

HỒN TRƯƠNG BA : Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

ĐẾ THÍCH : Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư ? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu !

HỒN TRƯƠNG BA : Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết !… »

                                 (Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)

Câu 1: Hoàn cảnh nào dẫn đến đoạn hội thoại trên ?

Câu 2: « Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. »

Các câu văn trong lời thoại trên, phân loại theo mục đích nói là kiểu câu gì, được dùng với mục đích nào ?

Câu 3: Hãy ghi lại 2 lời thoại trong đoạn trích trên thể hiện rõ nhất quan niệm của Hồn Trương Ba về ý nghĩa sự sống. Anh (chị) hiểu gì về quan niệm ấy ?

Câu 4:  Trong những trường hợp sau đây đâu là biểu hiện của lối sống « bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo » ?

A.Trong thâm tâm, ta coi thường, khinh ghét một người nào đó nhưng buộc phải nói cười, vồn vã, tay bắt mặt mừng

B.Có khi bản tính mình sôi nổi, tinh nghịch nhưng buộc phải “đóng vai” hiền hậu, nết na

C.Khi đứng trước một sự việc, một hiện tượng – mình có cách nhìn nhận, đánh giá khác hẳn mọi người nhưng ngại va chạm này nọ nên đành tỏ thái độ đồng tình

D.Cả A, B, C.

     ĐÁP ÁN

    Câu 1: Đoạn văn là đối thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích trong hoàn cảnh : Sau một thời gian sống trong thân xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba cảm thấy vô cùng đau khổ, bế tắc khi phải rơi vào bi kịch. Ông quyết định châm hương gọi Đế Thích để bày tỏ quan niệm sống của mình.

   Câu 2:

« Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. »

Các câu văn trong lời thoại trên, phân loại theo mục đích nói là kiểu câu tường thuật, được dùng với mục đích cầu khiến.

   Câu 3:

Ghi lại đúng 2 câu bày tỏ rõ nhất quan niệm của Hồn Trương Ba về ý nghĩa sự sống và hiểu đúng ý nghĩa của quan niệm ấy. Cụ thể :

–  Lời thoại Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn  có ý nghĩa  triết lí sâu sắc về sự sống: con người là một thể thống nhất, tâm hồn và thể xác phải hài hoà, được sống đúng là mình, sống thực với con người mình là một nhu cầu, một quyền lợi thiêng liêng, là khát vọng cao đẹp của con người.

– Lời thoại Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết: sống hay không sống không phải là vấn đề mà quan trọng là sống như thế nào, sống ra sao, sống có ý nghĩa hay không. Sống thực sự cho ra con người là điều không dễ dàng. Khi sống nhờ, sống gửi, sống không phải là mình thì cuộc sống ấy thật là vô nghĩa, còn khổ hơn là cái chết.

–  Hai lời thoại làm rõ tình cảnh trớ trêu, bi kịch của  hồnTrương Ba trong sự tự ý thức của nhân vật, góp phần tô đậm chủ đề tác phẩm: được sống làm người là quý giá nhưng được sống là chính mình, sống trọn vẹn, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn còn quý giá hơn nhiều.

   Câu 4: phương án D.

 

Mod Văn