Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Dạng đề so sánh 2 tác phẩm văn xuôi (Đề 2)

26/10/2016 16:30

 » Lời bình về nhà văn Thạch Lam
 » Kiến thức trọng tâm bài “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu
 » Luyện tập bình giảng từng đoạn trong bài thơ “Việt Bắc” - Tố Hữu
Dạng đề so sánh 2 tác phẩm là một dạng đề khá “đáng sợ” đối với các sĩ tử. Bài viết này sẽ giúp các em luyện tập cho dạng đề sao sánh tác phẩm văn xuôi và đưa ra tất cả những tác phẩm có thể đem ra so sánh trong đề thi. Mỗi bài viết sẽ đưa ra một cặp tác phẩm để so sánh.

Với bài này, sẽ so sánh “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Các bạn nhớ đón đọc những bài sau, để thu thập đầy đủ tài liệu cho dạng đề này nhé!

Đề 2. Cái mới của văn học Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX là “tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường”

                            ( Trích SGK Ngữ văn 12, trang 17,Tập I, NXBGD năm 2008)

   Cảm nhận nhân vật người đàn bà hàng chài của truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) và nhân vật Hồn Trương Ba thuộc đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), anh(chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

 

1.     Vài nét về tác giả, tác phẩm

  – Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một tác gia tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Hành trình sáng tác của ông trải qua hai thời kỳ, thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ đổi mới sau 1975. Ở thời kỳ đổi mới, Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” sáng tác năm 1983 là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Minh Châu trong chặng đường văn thời kỳ đổi mới. Truyện xoáy sâu vào bức tranh hiện thực của đời sống người lao động thuyền chài ở một vùng ven biển miền Trung. Trong truyện ngắn này, tác giả đã khắc hoạ thành công nhân vật người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ bất hạnh nhưng có nhiều phẩm chất cao quý.

– Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch Việt Nam những năm tám mươi của thế kỷ XX.Ông được coi là nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại. Tác phẩm của ông toát lên một ý vị triết lí và nhân sinh về đời người, kiếp người. Ông có nhiều tác phẩm kịch gây chấn động dư luận , trong đó có vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Trong đoạn trích ( cảnh 7) của vở kịch, tác giả đã diễn tả sâu sắc bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba, một con người phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

– Nêu ý kiến cần nghị luận

2. Giải thích ý kiến

 – Cái mới: là sự mới mẻ, tiến bộ, khác biệt với cái cũ đã qua, không còn phù hợp với hoàn cảnh mới;

 – hướng nội: là hướng vào bên trong;

 – số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường : đi vào đời tư của con người trong hoàn cảnh éo le, nghịch lí, đa dạng, muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống hằng ngày.

 – Thực chất của nhận định là khẳng định sự đổi mới của văn học Việt Nam từ sau năm 1975 so với văn học giai đoạn 1945-1975.

3. Cảm nhận số phận hai nhân vật để làm rõ nhận định

a.     Cảm nhận số phận người đàn bà hàng chài

    * Nội dung

- Là một người phụ nữ có ngoại hình xấu, lam lũ, vất vả và bất hạnh

+ Theo câu chuyện bà kể, từ nhỏ bà đã là “một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt”

+ Từ khi có chồng, cuộc đời bà trở nên vất vả : thuyền chật, con đông, có khi cả nhà “toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”…

+ Nghệ sĩ Phùng chứng kiến tận mắt bà bị chồng đánh trên bờ biển. Còn chánh án Đẩu thì nhận xét : “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng…”

- Cách ứng phó trước số phận:

      + Mặc dù có một số phận bất hạnh nhưng người phụ nữ ấy lại là người sống kín đáo, hiểu đời và giàu lòng vị tha: Sắc sảo, hiểu đời ( nhận xét về Đẩu, Phùng); Giàu lòng vị tha ( lí giải, cảm thông về sự tàn bạo của chồng)

      + Phẩm chất tốt đẹp nhất của người đàn bà là lòng thương con vô hạn, giàu đức hi sinh: Cam chịu, nhẫn nhục khi bị chồng đánh; Xin với toà án đừng bắt mình phải bỏ chồng; Lí giải : tất cả là vì con.

   * Nghệ thuật :

 – Tình huống truyện độc đáo. Ngôn ngữ nhân vật sinh động, phù hợp với tính cách

 – Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.

b.     Cảm nhận số phận đầy bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba

   * Nội dung

    – Bi kịch tha hoá của nhân vật Trương Ba trong đoạn trích bắt đầu bằng lớp thứ nhất của cảnh 7, đó là màn đối thoại giữa Hồn Trương ba và Xác hàng thịt.

+ Hồn Trương Ba muốn thoát khỏi xác hàng thịt để sống độc lập.

+ Xác hàng thịt khẳng định là không được, còn chế giễu, khiến Hồn Trương Ba đau khổ, tuyệt vọng.

   – Bi kịch Hồn Trương Ba được đẩy lên tới đỉnh điểm, cao trào ở màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân. Đó là bi kịch bị từ chối.

   – Nỗi đau khổ của vợ, của cháu Gái và của con dâu Trương Ba.

   – Hồn Trương Ba đau đớn trước những đau khổ của người thân. Ông tìm được giải pháp là phải gặp Đế Thích.

   - Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba được kết thúc trong màn đối thoại với Đế Thích- Bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”.

+ Đề Thích muốn Trương Ba phải sống bằng bất cứ giá nào.

+ Trương Ba cương quyết từ chối cuộc sống hồn này- xác nọ.

+ Không thuyết phục được Trương Ba, Đế Thích đành thuận theo yêu cầu và ý muốn của Trương Ba.

 – Ứng xử của Trương Ba trước tình trạng bi kịch đó :

    + Trương Ba không chấp nhận buông xuôi: khi không thể thay đổi được xác hàng thịt để xác có thể hoà hợp với hồn, Trương Ba quyết định từ bỏ mối quan hệ với cái xác ấy :”chẳng lẽ nào ta lại chịu thua mày…”,”không cần đến cái đời sống do mày mang lại”.

    + Khẳng định mạnh mẽ nhu cầu được sống là mình: “không thể bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”. Với Trương Ba, nhu cầu sống cuối cùng vẫn được đánh giá cao hơn nhu cầu tồn tại. Đặt ra vấn đề “sống như thế nào”là biểu hiện của ý thức cao về sự sống và cách sống để có một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa.

    + Trong đoạn kết, Trương Ba được giải thoát khỏi bi kịch. Đoạn kết vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” gợi cho độc giả, khán giả nhiều bâng khuâng. Hồn Trương Ba không theo Đế Thích về trời để chơi cờ, mà lại hóa thành màu xanh của cây vườn, vị thơm ngon của trái na, vẫn quấn quýt với người thân, gần gũi nơi bậc cửa, trong ánh lửa, nơi cầu ao, trong cơi trầu, con dao… của vợ con thương yêu. Cho dù thân cát bụi lại trở về cát bụi, nhưng hồn Trương Ba cao khiết vẫn bất tử trong cõi đời. Cái kết đầy chất thơ ấy đã làm cho tư tưởng nhân văn tỏa sáng tác phẩm.

  * Nghệ thuật:

    – Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, thể hiện sự phát triển của tình huống kịch;

    – Những đoạn đối thoại nội tâm của Hồn Trương Ba góp phần thể hiện rõ tính cách nhân vật và quan niệm về kẽ sống đúng đắn.

    – Đặc biệt, đoạn trích rất thành công trong việc xây dựng đối thoại. Những đối thoại giàu kịch tính, đậm chất triết lí góp phần tạo nên chiều sâu cho vở kịch.

4.     Nét tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật trong việc thể hiện “ tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường”

      Nét tương đồng: 

Cả hai tác giả đều đặt nhân vật trong tình huống éo le, bất ngờ, ngang trái của cuộc sống, khai thác thế giới nội tâm vô cùng phong phú, phức tạp. Dù nhân vật là con người bình thường hay mượn cốt truyện dân gian để thể hiện, các nhân vật đều có số phận đầy bi kịch. Nhưng cuối cùng, họ đều có cách ứng xử rất nhân văn, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn cao cả, làm xúc động lòng người.

      Nét khác biệt:

- Số phận nhân vật người đàn bà hàng chài tiêu biểu cho hàng triệu người phụ nữ miền biển nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung thời hậu chiến. Đói nghèo, thất học…là nguyên nhân chính gây ra bi kịch gia đình. Qua số phận của bà, Phùng, Đẩu và chúng ta “ngộ” ra biết bao điều: cuộc sống không hoàn toàn như ta nhìn thấy bên ngoài. Nếu chỉ nhìn bằng cái nhìn của người ngoài cuộc, ta chỉ thấy biểu hiện bên ngoài sự việc mà cái bên ngoài không phải bao giờ cũng thống nhất với cái bên trong. Chỉ có thể nhìn nhận một cách thấu đáo về con người cũng như về cuộc sống khi tự biến mình thành người trong cuộc, khi nhìn nhận không chỉ nên dùng lí trí để xét đoán mà phải dùng tấm lòng vị tha để mà cảm thông.

      – Số phận nhân vật Hồn Trương Ba được khai thác qua ba cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác, giữa Hồn với người thân, giữa Hồn với Đế Thích. Tha hoá, sống trong dung tục…là nguyên nhân gây ra bi kịch cá nhân và ảnh hưởng đến gia đình. Qua bi kịch của Hồn Trường Ba, nhà văn gửi gắm bức thông điệp đầy triết lí nhân sinh và thấm đẫm nhân văn: Được sống làm người là rất quý giá song được sống đúng là mình, sống trọn vẹn giá trị mà mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Mod Văn