Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

10 trường Đại học tuyển sinh theo nhóm ngăn thí sinh trúng tuyển ảo

11/04/2016 11:00

 » Quy định tuyển thẳng của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
 » Tuyệt chiêu cho "trận đánh lớn"
 » Chính sách học bổng "khủng" của trường Đại học Quốc gia TP. HCM
 » Cách chọn cụm thi của thí sinh
Các trường tuyển sinh theo nhóm sẽ dùng chung một phần mềm xét tuyển và chỉ xét dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh.

Thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 để nộp sang trường khác khi không còn hy vọng trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội trong mùa tuyển sinh 2015. Ảnh:Giang Huy.

Sáng 7/4, Đại học Bách khoa Hà Nội đã họp báo thông tin về đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường năm 2016. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng cho biết, đến nay có 10 trường tham gia nhóm cùng thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.

Đó là các trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ - Địa chất, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải và Học viện Ngân hàng. Nhóm trên gọi chung là GX và Đại học Bách khoa Hà Nội giữ vai trò chủ trì đề án.

"Tuyển sinh theo nhóm nhằm giảm thiểu tình trạng trúng tuyển ảo - nỗi ám ảnh của các trường trong mỗi kỳ tuyển sinh, dựa trên việc cả nhóm dùng chung một cơ sở dữ liệu và phần mềm xử lý thông tin đăng ký xét tuyển", ông Tớp nói.

Phương thức tuyển sinh này cũng tạo thêm cơ hội lựa chọn mà không làm giảm quyền lợi của thí sinh khi đăng ký xét tuyển, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong việc phân định và xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng ngành, nhóm ngành.

Theo ông Tớp, các thành viên trong GX đều bình đẳng như nhau, không phân biệt trường top đầu hay giữa. Đây là nhóm mở, không hạn chế số trường tham gia song phải tuân theo phương thức tuyển sinh và những quy định của đề án. Thời hạn các trường xem xét đăng ký là từ nay đến ngày 22/4. Qua thời điểm này, nhóm sẽ lập Ban chỉ đạo tuyển sinh chỉ thực hiện các khâu kỹ thuật của công tác xét tuyển.

Chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia

Các trường tham gia nhóm GX sẽ thực hiện 4 chung: chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia; dùng chung phần mềm xét tuyển do Đại học Bách khoa Hà Nội quản lý; áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành; áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế hiện hành. Phương thức này được thực hiện cho xét tuyển đợt 1 và các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, tùy vào tình hình tuyển sinh của các trường.

Phụ huynh lẫn thí sinh mệt mỏi trong "ma trận" rút - nộp hồ sơ xét tuyển của mùa tuyển sinh 2015. Ảnh: Giang Huy.

Theo phương thức này, thí sinh có thể dùng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký. Phiếu này có mẫu được thiết kế riêng cho nhóm GX. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm. Ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 2, 3 hoặc 4 trường trong nhóm nhưng mỗi trường không quá 2 nguyện vọng. Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển vào một trường trong nhóm và một trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm.

Nguyên tắc xét tuyển là nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi đã quy đổi về điểm xét và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về cơ bản mẫu đăng ký xét tuyển của nhóm GX không khác nhiều so với mẫu của Bộ Giáo dục. Thí sinh có thể tải trên mạng về, tự khai và nộp theo cách hình thức trực tuyến, chuyển phát nhanh hoặc trực tiếp tại trường. Việc đăng ký xét tuyển vào nhóm GX không phức tạp so với xét tuyển vào trường ngoài nhóm nên thí sinh không phải lo ngại.

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục đào tạo lưu ý về khâu kỹ thuật, nhóm GX phải thống nhất về dữ liệu, không để xảy ra tình trạng mỗi trường một cơ sở dữ liệu gây hỗn loạn thông tin. Đồng thời, mỗi trường phải giữ được tính tự chủ nhất định thì mới đảm bảo được quyền lợi khi tham gia đề án.

(VnExpress)