Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

“Giữa ngành và trường, chọn cái nào trước?

29/02/2016 10:30
“Giữa ngành và trường, chọn cái nào trước?”, một câu hỏi của chuyên gia đặt cho thí sinh để làm sáng tỏ việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng sau 2 phút im lặng hội trường với hơn 3.000 học sinh chỉ có một cánh tay đưa lên trả lời...


Học sinh tỉnh Bình Dương hào hứng nghe các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một điểm nhấn quan trọng trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi do BáoThanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT là buổi tư vấn chuyên sâu về lựa chọn nghề nghiệp. Ngày 27.2, hơn 6.000 học sinh lớp 12 tỉnh Bình Dương đã được thưởng thức “bữa tiệc” thông tin đầy thú vị.
Cách chọn ngành khoa học
Trả lời câu hỏi “Giữa ngành và trường, chọn cái nào trước?” của thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư tâm lý học xã hội VN, Nguyễn Thị Hoài Thương (học sinh Trường THPT Dĩ An) cho biết: “Chọn ngành trước rồi chọn trường sau”.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An tiếp lời: “ Thí sinh (TS) cần phải có thủ thuật mới chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp và nên ưu tiên cho việc chọn nghề, công việc mình yêu thích và muốn đeo đuổi”.
Với góc nhìn của đơn vị đào tạo, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận: “Có không ít TS lựa ngành học nhưng không hiểu được rằng chúng ta đang lựa chọn một nghề nghiệp sẽ gắn bó với chúng ta trong suốt quãng đời còn lại chứ không đơn giản một ngành để theo học”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên lựa chọn ngành nghề cần thực hiện một cách khoa học, và bước đầu tiên của quá trình này là học sinh nên tham gia hình thức trắc nghiệm để biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Thạc sĩ Sơn còn ví von khi cho rằng chọn nghề giống như lựa chọn một người vợ để sống chung cả cuộc đời. Vì thế, bên cạnh việc tự mình tìm hiểu đặc trưng ngành nghề đó từ thông tin trên mạng, kinh nghiệm của người thân trong gia đình và thầy cô là tư liệu quý báu.
Cũng theo thạc sĩ Sơn, sau khi tìm được nghề yêu thích, việc cần làm tiếp theo là tìm hiểu trường đào tạo các ngành này. Kế đến tiếp tục lọc thông tin liên quan đến học phí, điểm chuẩn của từng trường để chọn nơi học phù hợp nhất với khả năng bản thân và hoàn cảnh gia đình. “Tuy nhiên khi tham khảo điểm số, TS cần lưu ý đừng quá ảo tưởng về mức điểm xét tuyển các trường công bố khi nhận hồ sơ vì thực tế điểm trúng tuyển sẽ khác rất xa”, thạc sĩ Sơn lưu ý.
Trang bị kiến thức đa ngành
Để giúp học sinh có thêm thông tin về nhu cầu nhân lực trong tương lai, thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cho biết sau sự kiện VN chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á, dự báo sẽ có sự di chuyển mạnh thị trường lao động trong thời gian tới và điều này tạo ra cơ hội lẫn thách thức với nguồn nhân lực VN. Theo ông Tuấn, dù tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC hay dạy nghề, người lao động chỉ cần trang bị tốt kiến thức và kỹ năng cần thiết thì sẽ luôn được thị trường lao động đón chờ.
Về những yêu cầu của thị trường lao động cạnh tranh, thạc sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng, người lao động dù được đào tạo ở bậc nào cũng cần có đủ các yếu tố: kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỷ luật lao động tốt.
Thêm một yêu cầu với người lao động trong giai đoạn hội nhập này, theo ông Tuấn, để làm tốt một công việc cần trang bị kiến thức của nhiều ngành nghề khác nhau. Giả dụ, dù học kinh tế vẫn phải nắm bắt kiến thức kỹ thuật, luật hoặc xã hội nhân văn...
Ông Tuấn cho biết 8 nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao: công nghệ - kỹ thuật, kinh tế - ngân hàng - luật, kiến trúc, quản trị khách sạn - du lịch, sư phạm - quản lý giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nông lâm nghiệp, mỹ thuật - thể dục thể thao.

Hai tuần trước ngày thi, làm gì ?
Theo thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN đã công bố một kết quả khảo sát gây “sốc” khi có tới khoảng 85% học sinh cho biết họ tập trung toàn bộ sức lực cho việc học trong khoảng thời gian 2 tuần trước kỳ thi diễn ra. Trong đó, có những học sinh ngày đêm vật vã bên bàn học, có khi thâu đêm suốt sáng.
Ông An cho rằng có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý TS trước kỳ thi. Đó là áp lực từ gia đình, bắt buộc TS phải thi đậu để nở mày nở mặt. Thứ hai là áp lực do chính TS tạo ra vì ganh đua bạn bè, với suy nghĩ: "Bạn mình đậu mà mình không đậu thì quê lắm". Những áp lực này khiến TS như mang trên vai mình một tảng đá lớn và mang tâm lý nặng nề vào phòng thi, khiến chất lượng bài thi thấp hơn rất nhiều so với khả năng thực tế. Vì lẽ đó, TS phải có tâm lý vững vàng.
Thạc sĩ Hòa An lưu ý những ngày cận thi TS cần chú trọng khẩu phần ăn uống để đảm bảo sức khỏe. “Một tuần trước ngày thi, TS nên thức dậy trước 5 giờ sáng mỗi ngày để cơ thể thích nghi với đồng hồ sinh học này và có sự chuẩn bị tốt tâm lý”, ông An khuyên.

 

(Theo thanhnien.vn)