Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Luyện thi môn Văn - 3 cách học không hiệu quả

23/02/2016 09:42
Đứng giữa những dòng công thức phức tạp, căng mắt chiến đấu suốt ngày với các môn khoa học tự nhiên Toán Lý Hóa Sinh, nhiều em “bên trọng bên khinh” với các môn Xã Hội như Văn, Sử, Địa vì cho rằng “đầu quân” cho những khối thi này thì tương lai sẽ “rất mờ mịt”. Cho nên, số lượng thí sinh dự thi các khối C, D thường ít hơn rất nhiều so với khối A, A1.

Và cũng vì lý do đó, nên với các môn học này, các em dành rất ít thời gian cho nó. Đặc biệt là môn Văn, hiện nay vẫn không thoát được ra khỏi dòng tư tưởng của các thế hệ học sinh đó là môn “học bài” và không cần phải tư duy nhiều. Nhưng, các em ơi, không ai giỏi mà không trải qua một quá trình cố gắng khổ luyện cả. Kể cả các anh chị thủ khoa, các anh chị đỗ vào các trường đại học trên khắp cả nước trong những năm trước, họ cũng đã học rất nhiều, “cày bừa” rất nhiều mới có được thành quả ấy. Vì thế, bất kì môn học nào, HỌC247 tin rằng, nếu các em đối xử thật tâm với nó, học nó một cách nghiêm túc thì chắc chắn rằng, quả ngọt mà các em thu lại được sẽ không hề thua kém bất kì ai.

Để hỗ trợ các em phần nào trong quá trình luyện thi đại học gian khổ, HỌC247 muốn gửi đến các em một số lưu ý sau về cách ôn thi môn Văn. 3 cách học không hiệu quả mà HỌC247 trình bày dưới đây hy vọng rằng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh giúp các em xác định được phương pháp học đúng đắn và hiệu quả hơn.

1. Cố gắng học thuộc văn mẫu hoặc từng lời giảng của thầy cô.

Nhiều em học sinh tới nay vẫn giữ thói quen ôm quyển vở ghi bài giảng hoặc chọn sẵn những bài văn mẫu hay để học thuộc nguyên văn từ đầu đến câu cuối, vì nghĩ như vậy vừa nhanh vừa hiệu quả. Nhưng nếu cứ như thế thì khi vào phòng thi, các em chỉ cần quên vài câu là mọi thứ đều sẽ “bay hơi” hết và thậm chí, trong đầu các em sẽ không có bất kì kiến thức gì về bài giảng ấy ngoài như con chữ “gạo bài” bay nhảy trong đầu một cách vô tổ chức.

Giải pháp hữu hiệu nhất để “thuộc bài” là học theo ý, nhớ theo logic. Cách học và cách nhớ này cần được rèn luyện từ việc ghi bài trên lớp. Với mỗi bài học, các em nên nắm vững bố cục, chú ý các điểm trọng tâm đã được thầy cô nhấn mạnh, và chỉ ghi tóm lược các ý thay vì toàn bộ bài giảng. Sau đó ghi nhớ bài theo phương pháp tái hiện. Mỗi ngày sau giờ học, các em dành ra ít phút cố nhớ lại những điểm chính của bài học hôm nay, nếu có điểm nào chưa nhớ thì phải xem lại ngay.

Sách văn mẫu được biên soạn nhằm mục đích nâng cao năng lực cảm thụ cũng như rèn luyện kỹ năng diễn đạt. Việc đọc và tham khảo những bài văn hay sẽ rất tốt và hữu ích trong trường hợp các em đã nắm thật vững bố cục, các luận điểm chính cũng như những chi tiết “đắt giá” của tác phẩm.

2. Cố gắng ghi nhớ nhiều, thật nhiều dẫn chứng

Một tình trạng khá phổ biến đối với các học sinh chăm chỉ đó là cố gắng học thật nhiều dẫn chứng, vì một bài làm có dẫn chứng sinh động, phong phú thường sẽ được thêm điểm cộng. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều kiến thức sẽ gây “quá tải” bộ nhớ, cũng như các em dễ bị lúng túng khi sắp xếp chúng trong quá trình làm bài. Hơn nữa, cho dù có xem trọng môn Văn đến mấy thì chúng ta đừng quên cần phân bố thời gian cho những môn học quan trọng khác nữa.

Như các em đã biết, dẫn chứng là để phục vụ cho việc làm sáng tỏ luận điểm được nêu ra, chứ không nhằm mục đích “khoe” kiến thức. Dẫn chứng tuy không nhiều nhưng viện dẫn phù hợp và được phân tích sâu, làm nổi bật ý nghĩa vấn đề thì tốt hơn so với dẫn chứng nhiều, lan man và xử lí hời hợt.

Dưới sự gợi ý của giáo viên qua từng bài giảng, các em sẽ lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu nhất tương ứng với hệ thống các ý trong bài. Hãy “gạo bài” một cách có chọn lọc và đưa ra những lý giải thật “đắt” với dẫn chứng của mình, chắc chắn người chấm thi sẽ kinh ngạc và không ngần ngại cho điểm tối đa cho các em!

3. Không đọc tác phẩm, chỉ hình dung tác phẩm qua bài giảng của giáo viên

Văn bản tác phẩm là ngọn nguồn của mọi xúc cảm và sáng tạo. Một bài văn phân tích không thể chạm đến trái tim của người đọc nếu người viết chưa bao giờ đọc qua tác phẩm. Chưa kể, nhiều trường hợp nêu dẫn chứng sai, lý giải nhầm lẫn, làm phá vỡ tính thuyết phục của luận điểm cũng là do thí sinh chưa đọc kỹ tác phẩm và chỉ nhớ “mang máng” một vài chi tiết. Nhưng đây lại là sai lầm thường gặp nhất của các em học sinh.

Nếu gặp phải những tác phẩm dài hoặc khó đọc, các em đừng nản lòng, mà hãy thả lỏng bản thân, đọc đến đâu hình dung đến đó, nhân vật đang ở đâu, trong hoàn cảnh nào, có hành động và lời nói gì, hãy xem mỗi tác phẩm như một chuyến du dịch khám phá miền đất mới, thật thú vị đúng không?

Cuối cùng, đừng đợi nước đến chân mới nhảy! Học tập là một quá trình lâu dài, như mưa dầm thấm đất. Nếu các em nhận thấy trí nhớ không tốt thì càng phải tranh thủ học từ sớm. Học đều đặn mỗi ngày sẽ tốt hơn là học dồn, nhồi nhét kiến thức. Chỉ cần mỗi ngày dành khoảng 30 phút để xem lại cấu trúc bài, các luận điểm chính và những dẫn chứng đi kèm là các em đã có thể nắm vững một tác phẩm rồi đó.  

Chúc các em thành công!

BQT HỌC247

BQT HỌC247