Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Bình giảng bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính

01/09/2016 16:12

 » Về người con gái trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
 » Để có một mở bài hấp dẫn cho bài văn nghị luận xã hội
 » Để viết được một bài văn hay
"Tương tư" là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Bính. Nó thể hiện những tình cảm ý nhị, nhẹ nhàng, sâu sắc của một tâm hồn đang yêu một cách tự nhiên, gần gũi, rất Việt Nam. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây, để cảm nhận rõ hơn ý nghĩa, nội dung và nét đặc sắc của bài thơ này.

Nếu như phong trào thơ lãng mạn 1930 – 1945 đã từng có một Huy Thông hùng tráng, một Lưu Trọng Lư mơ màng... và đặc biệt là một Xuân Diệu sôi nổi, táo bạo “mới nhất trong các nhà thơ mới” thì cũng đã từng có một Nguyễn Bính “Chân quê”. Thơ Nguyễn Bính như một bông hoa đồng nội nhẹ nhàng, giản dị, mộc mạc, kín đáo len vào hồn ta, giữa một vườn hoa sắc màu rực rỡ.

“Tương tư” của Nguyễn Bính cũng là một bông hoa như vậy, một bài thơ bộc lộ nỗi niềm của những ai biết yêu và biết thế nào là “tương tư”.

“Tương tư”, nói một cách đơn giản là người ta nhớ về nhau khi yêu, thông thường là tình cảm đơn phương. Nhưng cũng như nhiều phạm trù tình cảm khác, khó mà định nghĩa cho rõ ràng, ví như Nguyễn Công Trứ đã từng băn khoăn:

Tương tư không biết cái làm sao

Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào?

Ở Nguyễn Bính, người ta bắt gặp một cách nói khác:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

            Với cách nói hoán dụ “thôn Đoài, thôn Đông” hoặc xưng hô vô định “một người”, Nguyễn Bính đã kín đáo giải thích cho sự “không biết cái làm sao ấy”: Tương tư, ấy chính là “chín nhớ mười mong” – một thành ngữ dân dã, giản dị đã đủ sức bao quát một nỗi nhớ vừa chân thật, vừa là cái dài dằng dặc của thời gian chờ đợi:

Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

            “Nắng” và “mưa” là những hiện tượng đơn thuần của thiên nhiên, song ở đây, những từ ngữ này đã nhẹ nhàng, duyên dáng đậu xuống câu lục để làm nổi bật lên sự liên tưởng, ví von ý nhị và kín đáo của câu hát:

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

            Như vậy, tương tư không còn chỉ là nỗi nhớ mà đã trở thành một chứng “bệnh” nan y của thi sĩ đa tình – một thứ “bệnh tinh thần” đặt tự nhiên trong sự so sánh với “bệnh nắng mưa” của đất trời.

            Chỉ bằng bốn câu đầu, Nguyễn Bính đã định nghĩa khái quát sự tương tư: đó là nỗi nhớ nhung và cả đau buồn, sầu não của kẻ đang yêu một cách đơn phương. Ở những câu sau, tác giả tiếp tục diễn giải những tình cảm, suy nghĩ của kẻ mắc “bệnh nắng mưa” đó:

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Khi yêu, người ta vẫn thường anh hay nghi ngờ, băn khoăn, cũng như chàng trai trong bài thơ thắc mắc: “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?”. Rõ ràng toàn bài thơ là lời một mình anh độc thoại và câu hỏi kia đáng lí ra anh tự hỏi mình. Tuy nhiên, ta có thể rõ ràng nhận thấy đó là câu hỏi dành cho cô gái mà anh yêu thầm nhớ trộm, dù rằng ở đây thi sĩ chỉ xưng hô “bên ấy” với “bên này”. Cách gọi kín đáo và dân dã ấy quả thật rất gần gũi với ca dao, tục ngữ, song tình cảm yêu thương và nhớ nhung của chàng trai được bộc lộ ở đây không kém phần tha thiết, nồng nàn. Với người đang yêu, đang tương tư, thời gian thật dài đằng đẵng, có cảm tưởng như “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (Nguyễn Du). Nguyễn Bính cũng diễn tả cảm giác đó bằng câu thơ : “Ngày qua ngày lại qua ngày”. Có đến ba từ “ngày” được dùng trong câu thơ chỉ có sáu chữ, song sự lặp lại ấy không hề gây ấn tượng dài dòng, buồn chán mà ngược lại, nó có tác dụng không nhỏ đối với ý thơ. Những từ “ngày” lần lượt đi qua câu thơ như thời gian vô tình cứ trôi thật chậm trước mắt chàng trai đang tương tư, kéo dài thêm mãi nỗi buồn và nỗi nhớ trong anh. Đó là thời gian của tâm lí chờ mong đến mòn mỏi. Nỗi buồn nhớ ở đây còn được khắc họa qua sự đổi thay của sắc lá: “lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Yêu và tương tư, nghĩa là đồng nghĩa với buồn thương, nhớ nhung và thấp thỏm chờ mong.

            Chàng trai buồn bã vì tình yêu chưa được đáp lại. Nỗi buồn và sự chờ mong trưởng chừng như vô vọng ấy tất yếu sẽ dẫn đến sự trách móc, dỗi hờn:

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

            Những lí do mà chàng trai đưa ra để trách móc cô gái rất hợp lí, rất thực tế. Nào là không “cách trở đò giang”, nào là “Hai thôn chung lại một làng” và “cách có một đều đình”, vậy mà tình cảm của anh vẫn không được hồi âm. Khoảng cách địa lí thật gần mà sao khoảng cách lòng người lại xa xôi đến vậy! Chàng trai trách móc thật nhiều, nhưng phải chăng là để xoa dịu nỗi buồn thương, làm dịu đi căn bệnh tương tư của mình? Rõ ràng giọng điệu trong câu thơ vừa rồi là giận hờn, trách cứ, song chàng phải hiểu rằng đó không là những lời buộc tội. Lời lẽ của chàng trai như ẩn chứa sự trìu mến, thân thương của một tình yêu nồng nàn, tha thiết. Và dù trách móc, anh vẫn thú nhận:

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

            Vẫn là cách xưng hô vu vơ, kín đáo với “ai”, “người” nhưng luôn hướng tới một đối tượng cụ thể. Câu hỏi ở đây, cũng như những từ “bảo rằng”, “đã đành”, “nhưng”... đầy tính chất suy luận của kẻ đang yêu, cố tìm ra câu trả lời, cách giải quyết, nhưng cũng không thể nào hết băn khoăn, thắc mắc. Và chàng trai cũng chỉ có một cách chờ đợi:

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê, các bướm giang hồ gặp nhau?

            Ở đây lại bắt gặp những hình ảnh ẩn dụ “bến”, “đò” mang đầy tính chất ca dao, dân gian... Và bằng những cụm từ như “hoa khuê các”, “bướm giang hồ” thi sĩ dường như tế nhị cho người ta ngầm hiểu về những khó khăn, cản trở dẫn đến một mối tình ngang trái. Đến đây, người ta có thể suy luận rằng những dòng tiếp sau sẽ là nỗi buồn, sự đau khổ ở mức độ cao hơn của chàng trai. Song Nguyễn Bính lại đưa ý thơ rẽ sang một hướng khác hẳn với đau buồn, sầu não:

Nhà em có một giàn giầu

Nhà tôi có một hàng cau liên phòng

            Từ câu chuyện trầu cau đến tập tục của người Việt Nam, hình ảnh “trầu cau” là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi, miếng trầu vẫn là “đầu câu chuyện” trong các buổi cưới hỏi, bắt nguồn cho mối tơ duyên dài “răng long đầu bạc”. Nói đến trầu cau ở đây, Nguyễn Bính đã kín đáo để nhân vật trữ tình của mình bộc lộ những ước mơ sâu xa, thầm kín. Như ngày xưa, chàng trai trong ca dao từng mượn trầu cau để thổ lộ tình yêu trong sáng, nhiệt thành:

Giúp em quan tám tiền treo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau

            Hình ảnh “trầu cau” được đưa vào đầy duyên dáng, ý nhị, hợp với mạch ngầm của ý thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bởi khi yêu, người ta không mong ước gì hơn là được sống hạnh phúc bên người mình yêu. Chàng trai của bài thơ “Tương tư” đã gửi gắm trong hình tượng “trầu cau” một ước mơ trong sáng, một khát vọng hạnh phúc trong tình yêu, cuộc sống. Bài thơ kết thúc bằng câu:

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

            Chàng trai vẫn thắc mắc, băn khoăn và nhớ nhung, song không đi theo chiều hướng tiêu cực mà lấp lánh sáng lên một mong chờ về cuộc sống lứa đôi hạnh phúc sau này – một khát vọng tốt đẹp của con người tự ngàn đời.

            Bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính đưa ta vào thế giới cảm xúc và tâm hồn của những người đang yêu và biết thế nào là “tương tư”. Bao trùm toàn bài là những tình cảm yêu thương chân thành, kín đáo, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng từ cách thể hiện nỗi nhớ nhung, âu sầu đến cả khi hờn giận, trách móc của nhân vật trữ tình. Bổ sung và làm toàn vẹn cho bài thơ, Nguyễn Bính đã xử dụng tài tình thể thơ lục bát. Bên cạnh cách nói hiện đại khi tác giả viết “tôi” với “nàng”, “anh” và “em”, ta vẫn thấy phần lớn trong bài thơ là “bên ấy”, “bên này”, là “thôn Đoài” với “thôn Đông”... và biết bao cách nói ý nhị khác nữa mang đậm tính chất trữ tình dân gian. Do đó, “Tương tư” thầm đẫm hồn ca dao dân tộc, dân dã mà giàu sức gợi, giản dị mà vẫn đầy sự trân trọng, kín đáo mà vẫn rõ ràng. Điều đáng nói nữa là với lớp vỏ và phần hồn ca dao ấy, Nguyễn Bính đã lồng vào đó là tiếng nói của Thơ mới hiện đại với những tình cảm, suy nghĩ mang tính chất thởi đại của dòng thơ lãng mạn. Tuy nhiên, chất ca dao, dân ca trong “Tương tư” nói riêng và thơ Nguyễn Bính nói chung vẫn là đặc điểm rõ ràng nhất để phân biêt với thơ của các thi sĩ khác. Cái chất lãng mạn đồng quê ấy sẽ còn chảy hoài, chảy mãi trong sâu thẳm tâm hồn, hòa cùng mạch ngầm tâm trạng của con người Việt Nam, đúng như Hoài Thanh đã từng nhận định: “Thơ của Nguyễn Bính đã đánh thức con người nhà quê ẩn náu trong ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là toàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”.

            Đến với “Tương tư”, là ta đã đến với thế giới riêng tư của tâm hồn, đến với “cái tôi” khi yêu hết sức phức tạp, phong phú và tế nhị. Song điều quan trọng hơn, đến với thơ Nguyễn Bính là để gặp gỡ một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, lãng mạn, chan chứa yêu thương và cũng là trở về với mạch ngầm dân tộc, vẫn hằng ngày đập chảy trong ta.

 

Mod Văn