Hướng dẫn FAQ Hỗ trợ: 0973 686 401
Nền tảng học Online#1 cho HS Tiểu Học

Dạy học bằng chính cuộc đời của mình...

07/09/2017 19:10

 Không phải ngẫu nhiên mà thầy giáo Nguyễn Đức Tấn được nhiều thế hệ học trò xem là thần tượng...

Chân dung thần qua lời kể của trò

* Tiến sĩ toán học LÊ QUANG NẪM (giảng viên Trường ĐH Columbia, Mỹ):

Tôi được học thầy Nguyễn Đức Tấn chỉ một năm lớp 7 ở Trường chuyên văn - toán Đức Phổ (Quảng Ngãi). Với bất kỳ bài toán khó và phức tạp nào, qua cách truyền thụ của thầy, tôi cảm thấy nó thật dễ dàng và đơn giản.

Rồi thầy chuyển vào TP.HCM, đến cuối năm lớp 8 tình cờ tôi gặp lại thầy khi thầy về thăm quê. Khi đó tôi đang rất buồn vì không đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thầy khuyên: “Nếu muốn phát huy khả năng toán học, em nên đến hai trung tâm lớn là Hà Nội hoặc TP.HCM”. Cuối lớp 9, sau khi biết tin đoạt giải nhì môn toán kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tôi liền chép lại đề bài cùng lời giải của mình gửi vào TP.HCM cho thầy xem. Thầy hồi âm ngay: “Em rất tiến bộ. Thầy rất tin tưởng vào khả năng của em” và nhắc lại chuyện nên vào TP.HCM học tiếp bậc trung học phổ thông: “Em vào đi, thầy sẽ giúp em vừa có thể học toán tốt vừa có thể kiếm sống được bằng chính sức lực của mình”. Gợi ý của thầy đã xóa tan sự e ngại (do không quen biết ai ở TP.HCM) và là động lực thúc đẩy tôi thi vào lớp 10 chuyên toán của Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Sau đó thầy đã liên hệ với các mạnh thường quân để tôi được cấp học bổng và giới thiệu tôi với các “cây đại thụ” về toán học như GS Hoàng Chúng để tôi học tập.

Những năm tháng ấy, lời khuyên của thầy trong lá thư hồi lớp 9 luôn đi theo tôi mỗi khi gặp khó khăn: “Phải cố gắng em ạ. Thầy tiếc vì nghèo nên mảnh bằng thạc sĩ toán học với mãi mà chưa tới...”. Tôi tự nhủ: “Phải lấy được bằng thạc sĩ toán học”. Đầu năm 1999, khi vào năm thứ nhất đại học tôi không đủ khả năng ở nhà trọ, thầy bảo “về ở chung với thầy”. Ngôi nhà của thầy hồi ấy chỉ rộng hơn 20m2 nhưng đã cho ba sinh viên ở nhờ trong khi gia đình thầy có bốn người.

Sau này, những lần tôi về VN, hai thầy trò vẫn tâm sự với nhau thâu đêm. Bây giờ nhà thầy đã to hơn, rộng hơn lại ngay mặt tiền đường lớn nhưng tôi vẫn nhớ mãi những ngày sống gần thầy trong ngôi nhà nhỏ ngày xưa.

* Bác sĩ ĐỖ TIẾN HẢI (Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM):

Tôi được học thầy Tấn từ lớp 3 đến lớp 9 ở Đức Phổ. Hồi ấy, ngoài giờ dạy thầy phải làm nhiều việc khác như nấu bánh chưng, làm mứt... để mưu sinh. Thế nhưng dạy kèm học sinh tại nhà, thầy ra điều kiện: “Em nào học giỏi sẽ được miễn học phí” nên hầu hết chúng tôi đều được miễn học phí. Có bữa học khuya quá tôi còn ngủ luôn tại nhà thầy.

Trước một bài toán, thầy đưa ra nhiều phương pháp khác nhau và cho chúng tôi tự chọn với mục đích khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Sau đó thầy lấy ví dụ để lý giải tại sao bài toán đó dùng phương pháp này mà không dùng phương pháp kia. Cách giải quyết vấn đề như vậy đến bây giờ tôi vẫn áp dụng rất hiệu quả trong công việc chuyên môn của mình.

Chuyển vào Sài Gòn, dù xa quê nhưng thầy luôn quan tâm đến học trò cũ, nhất là những học sinh có học lực khá, giỏi nhưng gia cảnh khó khăn. Năm tôi học lớp 11, gia đình tôi rơi vào cảnh khốn khó, thầy gọi điện về bảo ba tôi: “Tôi đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho cháu Hải vô Sài Gòn học”.

Sống trong nhà thầy, ba đứa sinh viên chúng tôi được thầy coi như con. Lúc mới vào tôi muốn đi làm thêm nhưng thầy khuyên: “Tập trung học tốt trong ba học kỳ đầu để được tuyển thẳng vào giai đoạn 2 đã, rồi thầy sẽ tìm việc cho con”. Khi tôi được tuyển thẳng vào ĐH Y dược TP.HCM, thầy giới thiệu chỗ dạy kèm cho tôi (thù lao đủ để tôi trang trải mọi chi phí học hành của mình trong suốt gần năm năm học còn lại).

Tôi khâm phục nhất khả năng làm việc của thầy: cả ngày đi dạy, tối về lại miệt mài soạn giáo án, viết sách (đến nay đã có hơn 150 đầu sách toán học do thầy Nguyễn Đức Tấn viết riêng hoặc viết chung với các tác giả khác được xuất bản - PV) đến 2g sáng nhưng vẫn luôn dậy lúc 6g.

Thầy là thần tượng không chỉ của riêng một mình tôi mà còn là thần tượng của nhiều thế hệ học trò.

* ThS TRẦN VĂN TÚC:

Vừa đậu ĐH Bách khoa TP.HCM, chân ướt chân ráo vào TP, không quen biết ai lại đang rất khó khăn về kinh tế, tôi tìm đến thầy Tấn. Thầy hứa sẽ tìm chỗ dạy kèm cho tôi. Quả nhiên, với uy tín của thầy, một số phụ huynh đã nhận tôi dạy kèm cho con em họ với mức lương cao hơn bình thường. Thầy còn cho tôi mượn vàng để mua chiếc xe máy cũ khi thấy tôi phải đạp xe vất vả đi dạy nhiều nơi. Rất nhiều sinh viên thế hệ sau tôi, cũng là học trò cũ của thầy, được thầy giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần như vậy.

Tôi cũng như nhiều anh em khác phục thầy, quý thầy bởi ý chí vượt khó, dù nghèo nhưng luôn giúp đỡ người khác, luôn tràn đầy nhiệt huyết thúc đẩy và tạo điều kiện cho học trò mình phát triển.

* PHẠM HY HIẾU (huy chương bạc kỳ thi toán quốc tế 2009, học sinh lớp 12 toán Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Thầy chỉ dạy tôi vài tháng ở lớp bồi dưỡng môn toán năm lớp 9 nhưng đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi bởi cách dạy khơi gợi sự hứng thú nơi học sinh. Ví dụ: chúng tôi hay coi thường những bài toán dễ nhưng thầy Tấn đã giải nó bằng hơn 20 cách khác nhau, đồng thời phát triển nó thành bài toán khó.

Mới đây, tôi ra Hà Nội để thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế, dù gặp khó khăn trong ngày thi đầu tiên nhưng nhờ sự động viên của thầy tôi tự tin hẳn lên khi bước vào ngày thi sau đó. Kết quả: tôi có tên trong danh sách đội tuyển đi thi quốc tế và mang về huy chương bạc cho nước nhà. Thầy đã truyền cho tôi niềm đam mê toán học và không được đầu hàng trước những bài toán khó cũng như khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn.

Chuyện của thầy

Là anh cả trong một gia đình nhà nông có tám người con, ngay từ nhỏ cậu học trò Nguyễn Đức Tấn đã làm ruộng phụ giúp cha mẹ. Có một kỷ niệm thời thơ ấu Tấn không bao giờ quên: một bữa, sau giờ học buổi sáng, anh của Tấn phải ở lại trường bàn bạc về hoạt động phong trào của lớp tới 1g trưa mới về; đến đầu xóm đã thấy Tấn đứng chờ anh tự bao giờ vì “sắp đến giờ vào lớp rồi, anh cởi quần ra cho em mặc đi học”.

Năm 2003, thầy Nguyễn Đức Tấn là giáo viên THCS đầu tiên và duy nhất ở TP.HCM đoạt giải thưởng Lê Văn Thiêm của Hội Toán học VN dù không phải giáo viên trong biên chế. Tuy thành tích cá nhân của ông không có con dấu xác nhận của một cơ quan nhà nước nào nhưng giáo viên Nguyễn Đức Tấn lúc đó đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi toán và say mê toán: Lê Quang Nẫm (HCV toán châu Á - Thái Bình Dương 1999), Nguyễn Đức Hoàng Hạ (giải nhì tin học toàn quốc 1998, 1999), Phạm Quốc Việt (giải nhì toán toàn quốc 1999)..., đồng thời viết nhiều sách về giảng dạy và học tập môn toán nên đã được chọn trao giải.

Đến nay, sau gần 20 năm dạy học ở TP.HCM, cái tên Nguyễn Đức Tấn đã trở thành quen thuộc với nhiều giáo viên và học sinh ở môn toán dù ông vẫn chỉ là giáo viên thỉnh giảng (Trường THCS Hoa Lư, Q.9). Ngoài công việc dạy kèm cho những học sinh giỏi toán và mê toán tại nhà, ông hiện phụ trách đội tuyển môn toán của Q.1.

(tuoitre.vn)